Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới. CPI tháng 6/2025 tăng 2,02% so với tháng 12/2024; tăng 3,57% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với quý II/2024. Bình quân sáu tháng đầu năm 2025, CPI tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,16%.

6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,16%
Theo Cục Thống kê, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở, đặc biệt là cát, đá, gạch tăng cao bất thường, xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2025 tăng 0,48% so với tháng trước

10 nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm

Trong mức tăng 0,48% của CPI tháng 6/2025 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm.

Cụ thể, nhóm giao thông tăng mạnh nhất với 1,66% (tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm). Trong đó, chỉ số giá dầu diezen tăng 5,37%; xăng tăng 4,12% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo sát diễn biến thị trường thế giới. Thêm vào đó, giá vận tải đường sắt tăng 5,15% do nhu cầu đi lại của khách hàng tăng cao trong dịp hè; dịch vụ giao nhận hành lý và hành lý gửi tăng 0,55%. Giá nhóm phụ tùng tăng 0,32%, trong đó phụ tùng khác của xe đạp như xích, líp tăng 0,55%; phụ tùng khác của xe máy như bóng đèn pha, buzi tăng 0,46%; phụ tùng ô tô tăng 0,42%; lốp, săm xe đạp tăng 0,25% do chi phí nhập khẩu linh kiện tăng.

Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,42% (tác động làm tăng CPI chung 0,27 điểm phần trăm), chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng sau: Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 2,93% do giá gạch, cát, đá tăng cao khi nguồn cung khan hiếm, chi phí sản xuất, vận chuyển tăng và nhu cầu xây dựng cao; giá thuê nhà tăng 0,51% do giá bán bất động sản ở mức cao nên nhu cầu thuê nhà tăng mạnh, trong khi chi phí bảo trì, vận hành tăng nên chủ nhà điều chỉnh giá thuê để bù đắp chi phí; giá điện sinh hoạt tăng 5,0% do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng và từ ngày 10/5/2025 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện sinh hoạt; giá nước sinh hoạt tăng 0,22%; giá dầu hỏa tăng 3,98% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Ngược lại, giá ga đun tháng Sáu giảm 1,26% so với tháng trước do giá gas thế giới trong tháng Sáu giảm 15 USD/tấn, từ 600 USD/tấn xuống còn 585 USD/tấn.

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,27%. Trong đó, du lịch trọn gói tăng 0,82% (du lịch trong nước tăng 1,36%; du lịch ngoài nước tăng 0,03%) do nhu cầu du lịch tăng trong dịp hè; thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,3%; vé thuê chỗ chơi thể thao tăng 0,24%; đồ chơi tăng 0,22%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,14%.  

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,20% do chi phí sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tăng trong mùa nắng nóng, trong đó giá nước quả ép tăng 0,71%; nước giải khát có ga tăng 0,5%; nước uống tăng lực đóng chai, lon, hộp tăng 0,22%; thuốc hút tăng 0,16%; bia các loại tăng 0,14%.

Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,13%. Trong đó, giá đồ nhôm, inox tăng 0,73%; máy điều hòa nhệt độ tăng 0,56%; máy sinh tố, ép hoa quả tăng 0,51%; gương treo tường tăng 0,33%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,22%; sữa chữa máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,33%; sửa chữa thiết bị có động cơ tăng 0,3%; sửa chữa máy giặt tăng 0,25%; thuê người giúp việc tăng 0,24%.

Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,10%. Trong đó, chỉ số giá mũ, nón, áo mưa tăng 0,38%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; vải các loại tăng 0,18%; dịch vụ giày dép tăng 0,15%; quần áo may sẵn tăng 0,14%.

6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,27% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 3,16%
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 6/2025 so với tháng trước (Nguồn: Cục Thống kê)

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,09%, chủ yếu ở một số mặt hàng như: Túi xách, va ly, ví tăng 0,19%; hàng chăm sóc cơ thể như nước hoa, gôm tóc, son, kem dưỡng da tăng 0,15%; sửa chữa đồng hồ đeo tay, sửa chữa đồ trang sức tăng 0,14%; dịch vụ về hỷ tăng 0,27%. Ở chiều ngược lại, giá đồ trang sức giảm 1,34% theo giá vàng trong nước.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,06%, trong đó: Lương thực giảm 0,31%; thực phẩm tăng 0,02%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,30%.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% do chi phí nhập khẩu nguyên liệu dược tăng khi tỷ giá tăng. Trong đó, nhóm thuốc tác dụng lên đường hô hấp tăng 0,25%; dụng cụ y tế và thuốc vitamin, khoáng chất cùng tăng 0,18%; thuốc giảm đau, hạ sốt chống viêm không steroid và thuốc điều trị gút và các bệnh xương tăng 0,13%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,09%.

Nhóm giáo dục tăng nhẹ 0,01%. Trong đó, giá văn phòng phẩm tăng 0,11%, cụ thể: Giá sản phẩm từ giấy tăng 0,44%; bút viết tăng 0,18%; văn phòng phẩm và đồ dùng học tập khác tăng 0,16%.

Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,02%. Trong đó phụ kiện máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 1,31%; máy điện thoại di động thông minh và máy tính bảng giảm 0,77%; sửa chữa điện thoại tăng 0,5%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024

CPI bình quân quý II/2025 tăng 3,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,35%; hàng hóa và dịch khác tăng 6,57%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,35%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,60%; giáo dục tăng 2,95%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,98%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,63%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,19%; bưu chính, viễn thông giảm 0,31%; giao thông giảm 4,83%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2025 tăng 3,27% so với bình quân cùng kỳ năm 2024. CPI sáu tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

(i) Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,69%, tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm, trong đó chỉ số giá nhóm thịt lợn tăng 12,75% do nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,43 điểm phần trăm; chỉ số giá thực phẩm tăng 4,15%.

(ii) Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm do giá nhà ở thuê và giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng. Trong đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 5,51% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với EVN điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vào ngày 11/10/2024 và ngày 10/5/2025, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.

(iii) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế.

(iv) Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,11 điểm phần trăm.

(v) Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,6%, làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm do giá đồ dùng cá nhân tăng 4,71%; lệ phí công chứng, bảo hiểm và dịch vụ khác tăng 17,26%. 

Bên cạnh đó, yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm 2025 là:

(i) Chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,63%, góp phần làm CPI chung giảm 0,35 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu giảm 12,56%.

(ii) Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,45%, tác động làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm, do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Lạm phát cơ bản tháng 6/2025 tăng 0,31% so với tháng trước và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Giá vàng trong nước biến động ngược chiều với xu hướng thế giới

Tính đến ngày 28/6/2025, bình quân giá vàng thế giới ở mức 3.369,73 USD/ounce, tăng 1,93% so với tháng 5/2025. Giá vàng tháng 6/2025 tăng chủ yếu do tác động kết hợp của bất ổn địa chính trị tại khu vực Trung đông, cùng với lực mua từ ngân hàng Trung ương và các quỹ đầu tư vàng tăng.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 6/2025 giảm 1,27% so với tháng 5/2025; tăng 48,01% so với cùng kỳ năm trước; tăng 33,54% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 43,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân sáu tháng đầu năm 2025, chỉ số giá vàng tăng 37,4%. Giá vàng trong nước ngược chiều với xu hướng thế giới do giá vàng trong nước ở mức cao và luôn chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, bên cạnh đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và độc quyền vàng.

Giá đô la Mỹ trong nước biến động ngược chiều với giá thế giới

Tính đến ngày 28/6/2025, chỉ số giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 98,6 điểm, giảm 1,34% so với tháng trước do nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2025, cùng với lo ngại về khả năng chính sách tiền tệ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị dẫn đến xu hướng dịch chuyển dòng vốn sang các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.

Trong nước, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2025 tăng 0,32% so với tháng trước do nhu cầu ngoại tệ phục vụ thanh toán nhập khẩu tăng; tăng 3,06% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2024; bình quân quý II/2025 tăng 2,98%; bình quân sáu tháng đầu năm 2025 tăng 3,3%.