Chống hàng giả, gian lận thương mại: Cần sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện và trách nhiệm
Sáng 7/7, tại thành phố Đà Nẵng, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ – gian lận thương mại trong tình hình mới.

06 tháng đầu năm 2025, phát hiện xử lý hơn 50.000 vụ gian lận thương mại
Báo cáo tại Hội nghị, đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, thời gian qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả luôn được Đảng, Chính phủ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo trực tiếp và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết, gắn liền với bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền lợi người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong tình hình mới.
Từ đầu năm 2025, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Trong 06 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 50.419 vụ (giảm 21,45% so với cùng kỳ). Trong đó, 10.836 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 79,34% so với cùng kỳ); 36.313 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 34,14% so với cùng kỳ); 3.270 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,64% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.454,2 tỷ đồng (tăng 6,39% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.899 vụ (tăng 192,15% so với cùng kỳ), 3.271 đối tượng (tăng 70,99% so với cùng kỳ).
Ở tháng cao điểm (từ 15/5-15/6/2025), lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra, xử lý 10.437 vụ. Trong đó 1.936 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 6.870 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 1.631 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1.278 tỷ đồng; khởi tố hình sự 204 vụ, 382 đối tượng bị khởi tố.
Cần đồng bộ nhiều giải pháp
Đại diện Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thông tin, dự kiến thời gian tới, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, thậm chí có thể gia tăng về số lượng, quy mô và tinh vi hơn.
Ngoài các phương thức thủ đoạn thường thấy, đã được nhận diện, xác định trong công tác nghiệp vụ của các lực lượng chức năng thời gian qua như; tại cửa khẩu; lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thông quan hàng hoá, chính sách kho ngoại quan, hệ thống thông quan tự động, vào nội địa; chia nhỏ, phân tán ngay từ khi qua cửa khẩu về các điểm tập kết theo đơn hàng, nhóm hàng, lưu chứa nhiều nơi, không kéo dài thời gian, lựa chọn địa điểm thưa dân cư, nguỵ trang kín đáo… nhằm che mắt cơ quan chức năng để thực hiện sản xuất và buôn bán hàng hoá vi phạm.
Trong tình hình mới, phương thức thủ đoạn của các đối tượng sẽ tinh vi hơn, bài bản hơn do xã hội có nhiều tiến bộ về thương mại điện tử, thương mại thời công nghệ số cũng như các chính sách của nhà nước tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Trong đó, doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, các quy định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, quy định về tiêu chuẩn quốc gia và chất lượng hàng hoá và pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Các sàn thương mại điện tử đóng vai trò trung gian kết nối người bán và người mua, nên có trách nhiệm lớn trong việc kiểm soát và ngăn chặn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía cơ quan chức năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và công khai minh bạch từ phía các lực lượng. Khi luật pháp đủ mạnh, thực thi nghiêm túc, và người dân có ý thức, thì nạn hàng giả mới được đẩy lùi.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần chọn cửa hàng chính hãng, các trung tâm thương mại uy tín, website chính thức, các đại lý ủy quyền của chủ thể quyền, đối với việc thực hiện mua sắm online trên các nền tảng cần có sự tham khảo, lựa chọn, so sánh và đánh giá kỹ cũng như kiểm tra hàng hoá, đặc biệt lựa chọn người bán, gian hàng uy tín, không thực hiện mua bán đối với các nền tảng xã hội ko rõ xuất xứ chủ trang hàng và đặc biệt không mua hàng bằng cảm xúc, cảnh giác trước các chiêu trò hàng giá rẻ, giảm giá sốc, hàng thanh lý và các khuyến mại đi kèm.
Cập nhật các kiến thức, cách thức phân biệt hàng hoá giả mạo, các khuyến cáo của chủ thể quyền, chủ nhãn hàng đối với hàng hoá có nhu cầu tiêu dùng trước khi thực hiện hành vi tiêu dùng, có thể sử dụng các công cụ chống hàng giả để kiểm tra đánh giá hàng hoá theo khuyến cáo nhằm tăng độ tin cậy khi mua hàng.

Đồng thời, không tiếp tay cho sản xuất hàng hoá giả, buôn bán thương mại hàng giả hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như các gian lận thương mại khác, đặc biệt tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp không sử dụng hàng hoá giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để phát huy biện pháp cắt cầu cắt cung. Kịp thời chia sẻ thông tin đến các lực lượng chức năng như; quản lý thị trường, công an các sàn thương mại khi gặp phải hàng hoá giả mạo để các lực lượng thực thi kịp thời xử lý loại bỏ hàng giả trên thị trường.
Về phía thành phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo sự bứt phá để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIII Đảng bộ thành phố đã đề ra, gắn với Chủ đề “Năm tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”.

Do đó ngay từ đầu năm Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai cùng lúc nhiều chủ trương quan trọng, vừa tập trung thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đúng tiến độ, bên cạnh đó cũng tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chú trọng phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch, hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Song song với đó, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng được UBND thành phố chỉ đạo triển khai quyết liệt hàng năm, đặc biệt trong đợt cao điểm đấu tranh vừa qua, Ban chỉ đạo 389 thành phố Đà Nẵng theo chức năng nhiệm vụ được giao, đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo các ngành thành viên BCĐ389/TP, các địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả. Qua đó cũng đã thu được các kết quả quan trọng trong lĩnh vực này. Đồng thời Đà Nẵng cũng là một trong các tỉnh, thành được Chính phủ biểu dương ghi nhận đánh giá cao trong công tác triển khai thực hiện Công điện 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ Tướng Chính phủ về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Hội nghị hôm nay là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới, đảm bảo công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó đưa ra những biện pháp, giải pháp xử lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.