Đồng hành cùng tiểu thương số hóa chợ truyền thống trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Hướng tới mục tiêu số hóa chợ truyền thống và nâng cao năng lực cho tiểu thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cùng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình đào tạo chuyển đổi số, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiểu thương thích ứng và phát triển trong kỷ nguyên thương mại điện tử “bùng nổ”.
Ngày 2/7/2025, tại TP. Hồ Chí Minh, hướng tới mục tiêu số hóa chợ truyền thống và nâng cao năng lực cho tiểu thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình đào tạo chuyển đổi số cho các Ban quản lý chợ và tiểu thương trên địa bàn thành phố.
Chuyển đổi số không phải lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu để các địa phương, doanh nghiệp và người dân bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới.”
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền khẳng định tiềm năng to lớn của thương mại điện tử trong việc phá bỏ rào cản địa lý, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng, biến nó thành một phương thức quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử cũng đặt ra thách thức cho chợ truyền thống, đặc biệt sau đại dịch COVID-19 khi người tiêu dùng dần chuyển sang mua sắm trực tuyến. Các nền tảng số không chỉ ưu đãi về giá mà còn thu hút khách hàng qua livestream bán hàng và dịch vụ đi chợ trực tuyến. Thực trạng này cho thấy sự cấp thiết của việc xây dựng thể chế, chính sách và kế hoạch phát triển thương mại điện tử bền vững, trong đó chuyển đổi số cho tiểu thương chợ truyền thống là nhiệm vụ then chốt.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền nhấn mạnh, thương mại điện tử là phương thức quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, nhờ khả năng phá bỏ rào cản địa lý, mở rộng thị trường và tiếp cận khách hàng
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng thông tin về Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 tại Quyết định số 1568/QĐ-BCT ngày 03/6/2025 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong đó, mục tiêu của Kế hoạch sẽ tập trung vào Nâng cao năng lực cạnh tranh và không ngừng mở rộng quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Tăng cường tiêu thụ sản phẩm Việt Nam thông qua thương mại điện tử, mở ra thị trường rộng lớn hơn cho hàng hóa nội địa cả trong và ngoài nước, đồng thời đẩy mạnh giao dịch xuyên biên giới.
Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các địa phương, đảm bảo rằng lợi ích của thương mại điện tử được phân bổ đồng đều, không chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn và bền vững, hướng đến một nền kinh tế hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội công bằng và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Kế hoạch quốc gia đã định hướng 6 nhóm giải pháp trọng tâm: Xây dựng và hoàn thiện thể chế; Hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử bền vững; Xây dựng các nền tảng, hệ thống cốt lõi; Tăng cường liên kết vùng trong thương mại điện tử; Nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong thương mại điện tử.

Giải pháp thực tiễn và trải nghiệm số hóa từ chuyên gia, doanh nghiệp
Phiên toạ đàm cũng chứng kiến sự góp mặt của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số như Sapo, Haravan, và ViHat. Các đơn vị này đã mang đến những kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm triển khai và công cụ cụ thể giúp tiểu thương và ban quản lý chợ dễ dàng ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.
Trong phiên thảo luận, nhiều tiểu thương đã thẳng thắn chia sẻ những khó khăn thực tế trong quá trình chuyển đổi số. Các chuyên gia đã có trự tiếp hướng dẫn và đưa ra giải pháp xử lý, góp phần tháo gỡ vướng mắc, giúp bà con tự tin hơn trên con đường số hóa.
Đặc biệt, ban quản lý chợ và tiểu thương còn có cơ hội trải nghiệm thực tế quá trình livestream bán hàng trên sàn thương mại điện tử TikTok Shop. Các chuyên gia từ TikTok Shop đã hướng dẫn chi tiết các bước vận hành cửa hàng online và livestream bán hàng. Sự tích cực tham gia học hỏi, thảo luận và thực hành tại các gian hàng số, cùng các phiên livestream trực tiếp, đã giúp các học viên rèn luyện kỹ năng, tiếp cận công nghệ và nâng cao năng lực vận hành kinh doanh trực tuyến.
Một số hình ảnh tại chương trình đào tạo


