Tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP 5 sao (OCOP cấp quốc gia). Tuy nhiên, trong bối cảnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay gồm 2 cấp (tỉnh và xã), một số quy định trong Bộ tiêu chí OCOP theo Quyết định 148/QĐ-TTg đã không còn phù hợp.

Theo đó, Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 được ban hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg để phù hợp mục tiêu phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương.

Trong đó, Quyết định số 1489/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; chuyển nhiệm vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao từ cấp huyện lên cấp tỉnh để tạo sự ổn định và tránh xáo trộn trong quá trình thực hiện.

Theo quy định mới, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương. 

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương
Theo quy định mới, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương

Trình tự đánh giá, phân phân hạng sản phẩm OCOP như sau:

 Ủy ban nhân dân xã, phường (UBND cấp xã): (1) Tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương; căn cứ vào điều kiện và đặc điểm thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá, sau đó ban hành Báo cáo đánh giá của UBND cấp xã về các tiêu chí trên; (2) Tiếp nhận, kiểm tra thể thức hồ sơ do các chủ thể đăng ký và có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh đánh giá, phân hạng các sản phẩm trên địa bàn xã”.

– Công tác đánh giá tại cấp tỉnh: Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Hội đồng cấp tỉnh) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng (trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm chủ tịch Hội đồng và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP).

Hội đồng cấp tỉnh tổ chức đánh giá, xếp hạng các sản phẩm do UBND cấp xã đề xuất.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và công bố kết quả.

Trường hợp kết quả đánh giá là hồ sơ không hợp lệ theo quy định, hoặc không đạt 3 sao trở lên, UBND cấp tỉnh gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp xã để hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm.

– Công tác đánh giá ở cấp trung ương

+ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thành lập Hội đồng, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp trung ương (Hội đồng cấp trung ương) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng.

+ Hội đồng cấp trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm do UBND cấp tỉnh đề xuất.

+ Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 5 sao (là sản phẩm OCOP cấp quốc gia), tổ chức công bố kết quả.

+ Trường hợp kết quả đánh giá không đạt 5 sao, Hội đồng cấp trung ương gửi trả kết quả (bằng văn bản) và hồ sơ về UBND cấp tỉnh:

Đối với sản phẩm đánh giá không đạt 90 điểm, nhưng trên 70 điểm, UBND cấp tỉnh có thể căn cứ vào kết quả đánh giá của Hội đồng cấp trung ương để ban hành quyết định công nhận đạt 4 sao, cấp Giấy chứng nhận đạt 4 sao hoặc tổ chức đánh giá và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp.

Đối với sản phẩm được Hội đồng Trung ương đánh giá hồ sơ không hợp lệ theo quy định, UBND cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm theo thẩm quyền được phân cấp.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP Việt Nam giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và phát triển thị trường không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, từ ngày 01 đến ngày 03/8/2025, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội, Liên minh HTX Việt Nam chủ trì; Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội và Văn phòng điều phối chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Trung ương tổ chức Hội chợ các sản phẩm OCOP xuất khẩu (VIETNAM OCOPEX 2025) tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, 19C Hoàng Diệu, Hà Nội. Hội chợ có quy mô 300 gian hàng của trên 150 doanh nghiệp trưng bày các mặt hàng đạt chứng nhận OCOP.

Tính đến hết năm 2024, cả nước đã có 14.642 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 3.586 sản phẩm so với năm 2023), của 8.086 chủ thể OCOP. Trong đó có 79 sản phẩm mới đạt tiêu chuẩn và được công nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia; 9 sản phẩm công nhận lại.