Báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tháng 6/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 17,9%.

xuất nhập khẩu
(Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm xấp xỉ 220 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 39,49 tỷ USD, giảm 0,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,64 tỷ USD, tăng 0,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 30,85 tỷ USD, giảm 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 16,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 5,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 24,4%.

Trong quý II/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 116,93 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và tăng 13,6% so với quý I năm 2025.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,28 tỷ USD, tăng 9,4%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 161,55 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 73,5%.

Trong 6 tháng đầu năm 2025 có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 72,3%). Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gia công, lắp ráp tăng khá so với cùng kỳ năm trước như: điện tử máy tính và linh kiện tăng 40%; hàng dệt may tăng 12,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,4%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2025, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 194,28 tỷ USD, chiếm 88,4%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 19,12 tỷ USD, chiếm 8,7%; nhóm hàng thủy sản đạt 5,11 tỷ USD, chiếm 2,3%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,32 tỷ USD, chiếm 0,6%.

mặt hàng xuất khẩu
(Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thu Oanh – Trưởng Ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê) cho biết: Xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam với mức tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2025. Thặng dư thương mại tiếp tục duy trì, góp phần ổn định cán cân vãng lai, tỷ giá, và hỗ trợ kiểm soát lạm phát. 

nguyễn thu oanh
Bà Nguyễn Thu Oanh (ngoài cùng bên trái) – Trưởng Ban Thống kê Dịch vụ và Giá (Cục Thống kê) trao đổi, thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm

Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,7% tổng kim ngạch nhập khẩu

Cũng theo Cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 đạt 36,66 tỷ USD, giảm 6,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,79 tỷ USD, giảm 0,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,87 tỷ USD, giảm 8,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2025 tăng 20,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 2,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 32,7%.

Trong quý II/2025, kim ngạch nhập khẩu đạt 112,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 12,9% so với quý I năm 2025.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 72,82 tỷ USD, tăng 10,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 139,38 tỷ USD, tăng 22,3%.

Trong 6 tháng đầu năm 2025 có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,0% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 56,8%).

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2025, nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 198,92 tỷ USD, chiếm 93,7%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 51,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,5%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 13,28 tỷ USD, chiếm 6,3%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 70,91 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 84,7 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 62,0 tỷ USD tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU đạt 19,0 tỷ USD, tăng 11,6%; xuất siêu sang Nhật Bản đạt 1,2 tỷ USD, tăng 69,1%; nhập siêu từ Trung Quốc đạt 55,6 tỷ USD, tăng 42,2%; nhập siêu từ Hàn Quốc đạt 14,6 tỷ USD, tăng 0,1%; nhập siêu từ ASEAN đạt 7,5 tỷ USD, tăng 67,4%.

thị trường xuất nhập khẩu
(Nguồn: Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới, Việt Nam và Hoa Kỳ vừa đạt được một thỏa thuận thuế quan giúp giảm nguy cơ áp thuế 46% xuống còn 20% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam và 40% đối với hàng trung chuyển, trong khi đó Việt Nam sẽ cắt giảm toàn bộ thuế nhập khẩu với hàng hóa từ Mỹ xuống 0%.

Đây là tín hiệu tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó khăn, thách thức. Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam cần ưu tiên tái cấu trúc chiến lược theo hướng chủ động, bền vững và thích ứng nhanh“, bà Nguyễn Thu Oanh nhận định.

Trên cơ sở đó, Cục Thống kê khuyến nghị một số giải pháp trọng tâm đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần đảm bảo minh bạch chuỗi cung ứng và kiểm soát nguồn gốc xuất xứ. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ nhập khẩu có chọn lọc đối với nguyên liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm để xuất khẩu. Đồng thời, hướng tới tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI lớn.

Thứ hai, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Khai thác hiệu quả, tận dụng lợi thế của các FTA để gia tăng xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu sang Ấn Độ, Trung Đông, Nam Á, Đông Âu, châu Phi… Khuyến khích doanh nghiệp phân tán chuỗi cung ứng; mở rộng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Thứ ba, tăng cường đối thoại và đàm phán song phương với Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… Tăng cường phòng vệ thương mại và năng lực pháp lý doanh nghiệp. Hướng dẫn doanh nghiệp làm việc với luật sư quốc tế, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại. Xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm các thị trường tiềm ẩn rủi ro.

Thứ tư, điều hành tỷ giá, lãi suất ổn định và linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu.