Theo đó, Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc trong vụ việc AD20.

Căn cứ theo Điều 77 và Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương, ngày 6/6/2025, Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất cam kết của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc – CISA đại diện cho 16 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc.

Trên cơ sở đề xuất cam kết của CISA, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính (Cục Hải quan) và các bên liên quan cho ý kiến đối với đề xuất cam kết giá của CISA cũng như cơ chế kiểm soát, theo dõi giá tối thiểu và lượng nhập khẩu theo đề xuất của CISA.

Trên cơ sở ý kiến của các bên liên quan và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương xác định không chấp nhận đề xuất cam kết của CISA với các lý do: (i) chỉ có bên đề nghị đã hợp tác đầy đủ trong giai đoạn điều tra mới được xem xét cam kết; (ii) lượng cam kết tối đa không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (iii) Giá cam kết tối thiểu không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước; (iv) mức giá tham chiếu không công khai, gây khó khăn trong việc đối chiếu, theo dõi; (v) chưa có cơ chế quản lý hiện tại của Cơ quan hải quan có thể giám sát hiệu quả việc thực hiện cam kết; (vii) việc áp dụng cam kết mà không có cơ chế quản lý giám sát có thể dẫn đến khả năng lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và (viii) việc áp dụng cam kết không có khả năng khắc phục được thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết trong vụ việc điều tra chống bán phá giá với thép cán nóng
Bộ Công Thương không chấp nhận cam kết của Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc trong vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Ảnh: TCHQ)

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Cộng hòa Ấn Độ.

Theo đó, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá chính thức từ 23,1% đến 27,83% đối với một số mặt hàng thép cán nóng từ Trung Quốc và chấm dứt điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ.

Hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức theo Quyết định là một số sản phẩm sắt hoặc thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, cán nóng; độ dày từ 1,2 mm đến 25,4 mm; chiều rộng không quá 1.880 mm; chưa được gia công quá mức cán nóng; đã tẩy gỉ hoặc không tẩy gỉ; không dát phủ, phủ, mạ hoặc tráng; có phủ dầu hoặc không phủ dầu; hàm lượng carbon nhỏ hơn hoặc bằng 0,3% tính theo khối lượng.

Các sản phẩm được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là thép không gỉ hoặc các sản phẩm thép cán nóng dạng tấm thuộc một trong các mác thép được quy định theo Quyết định.

Các sản phẩm miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá là các sản phẩm thuộc mác thép BW450, BS700MCK2, AG700 và LG700T. Trong trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm nêu trên và chưa được cấp quyết định miễn trừ có thể nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với Cục Phòng vệ thương mại theo hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 26/2025/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực từ ngày 6/7/2025, thời hạn áp dụng 5 năm kể từ ngày có hiệu lực (trừ trường hợp được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương).